Để nâng cao giá trị bản thân, tạo lợi thế và để được các nhà tuyển dụng lựa chọn mà ngày nay không ít ứng viên đã chọn cách không trung thực và thổi phồng vào những kỹ năng mà họ có. Điều này khiến các nhà tuyển dụng bận rộn và khó khăn hơn trong việc lựa chọn đúng nhân tài.
Các quyết định tuyển dụng sai lầm có thể có tác động lâu dài đối với các tổ chức về nhiều mặt. Và chi phí để sửa chữa cho sai lầm đó có thể vượt ra khỏi dự tính của doanh nghiệp. Vì vậy để xác định được ứng viên không trung thực đòi hỏi các nhà tuyển dụng phải luôn tỉnh táo, xem xét từng cử chỉ, nét mặt và quan trọng nhất sẽ xem xét bản CV thật kĩ càng để tránh khỏi những gian lận, mánh khóe của từng ứng viên.
Dưới đây Working.vn sẽ chia sẽ 7 cách giúp tuyển dụng phát hiện ứng viên không trung thực trong quá trình phỏng vấn nhé !
1. Tuyển dụng nên dành nhiều thời gian đọc và nghiên cứu kỹ CV của ứng viên
Đây là bước không thể thiếu và cũng là bước đầu tiên bạn cần làm trước khi tiến hành phỏng vấn ứng viên. Công tác nhân sự luôn là công tác được chú trọng và cũng chiếm đi nhiều thời gian của bạn nhất. Hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn bản CV, nào là CV điện tử, CV giấy,... chỉ để bạn sàng lọc ra được một hay vài ứng viên tiềm năng cho vị trí bạn đang tuyển. Bạn không thể nào dành nhiều thời gian để xem kỹ lưỡng từng hồ sơ của các ứng viên được. Đó là lý do vì sao bạn cần trang bị những kỹ năng tổng hợp, kỹ năng đọc đúng trọng tâm, ghi chú lại những vấn đề quan trọng nhất để có thể đánh giá chính xác bởi nhìn đúng trọng tâm của mỗi bản CV thực sự không phải là công tác dễ dàng.
Hãy tỉnh táo và phân biệt các nội dung được trình bày trong bản CV, chẳng hạn như những bản CV có nội dung na ná những bản CV khác, không trình bày hay nêu rõ các vấn đề một cách cụ thể, chi tiết, mà chỉ nhắc đến một cách khái quát, dùng những ngôn từ “sáo rỗng”, thì đôi khi những thông tin đó không thể tin được 100%.
2. Tuyển dụng nên đưa ra các câu hỏi chi tiết cho ứng viên
Khi một ứng viên trình bày về những thành tích ấn tượng và điều này có thể khiến bạn nghi ngờ, hãy tìm kiếm sự thật bằng cách đặt các câu hỏi cụ thể. Chẳng hạn, nếu ứng viên nói rằng họ rất thông thạo tiếng Anh thì bạn có thể đề nghị: “Vậy nếu tôi thực hiện cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh - điều đó sẽ ổn chứ ?”
3. Tuyển dụng nên áp dụng phỏng vấn bằng kỹ thuật chuyên nghiệp
Câu hỏi hành vi và câu hỏi tình huống cần được phát huy trong trường hợp bạn muốn kiểm tra độ xác thực trong lời nói của ứng viên.
Theo nhiều phân tích, người tìm việc thường thiếu trung thực khi trả lời những câu khá bao quát và chung chung như “Bạn có những kỹ năng gì ? Đánh giá kỹ năng đó của bạn”, “Điểm yếu của bạn là gì ?”, “Tại sao bạn lại muốn làm việc cho công ty chúng tôi ?”.
Vì vậy, để nhận biết ứng viên có nói dối hay không, hãy hỏi chi tiết hơn bằng cách yêu cầu họ đưa ra ví dụ hoặc kể lại tình huống đã trải qua để thể hiện năng lực của mình. Sau đó, hãy lắng nghe kỹ từng chi tiết, liệu ứng viên có đang kể lể những điều họ đã quen kể trong CV không. Nhà tuyển dụng cần lưu ý ứng viên càng trả lời chi tiết sẽ càng đáng tin.
Ngoài ra, một bài test trực tiếp các kỹ năng liên quan đến vị trí tuyển dụng chắc chắn là biện pháp hay. Hãy hỏi ứng viên tự tin với kỹ năng nào nhất và đưa ra thử thách trong thời gian hạn định. Việc ứng viên có thể hoàn thành được hay không sẽ quyết định bạn có nên tin tưởng họ hay không.
4. Tuyển dụng nên quan sát thái độ và ngôn ngữ cơ thể của ứng viên
+ Đối với ứng viên trả lời một cách lưỡng lự hoặc có thái độ phòng thủ
Khi nói dối, người ta có xu hướng dễ nổi nóng. Bạn hãy lưu ý nếu ứng viên không hợp tác trong quá trình trả lời câu hỏi, trả lời một cách nhát gừng, nhát tỏi cụt ngủn. Hay tốc độ nói chuyện của ứng viên chậm hoặc nhanh một cách bất thường khi trả lời một câu hỏi nào đó, bạn có thể đang gặp một người giỏi bịa chuyện.
+ Ngôn ngữ cơ thể của ứng viên
Khi nói dối, thông thường, ứng viên sẽ thể hiện tâm trạng bồn chồn, bứt rứt qua các hành động như vặn người, sờ tay lên mặt hoặc tóc, sửa lại kính hoặc cổ áo, lảng tránh giao tiếp mắt hay vặn vẹo ngón tay khi trả lời một câu hỏi nào đó. Nếu có nghi ngờ, bạn hãy tiếp tục hỏi thêm về nội dung đó và quan sát tiếp thái độ của họ. Thường thì ứng viên sẽ tỏ ra đặc biệt không thoải mái khi phải nói dối liên tục tới lần thứ 3.
Tuy nhiên bạn cũng nên cẩn trọng khi quan sát ngôn ngữ cơ thể, bởi bạn có thể bị nhầm lẫn với biểu hiện của sự lo lắng thông thường.
Cách chính xác nhất, đó là quan sát sự khác biệt thái độ của ứng viên qua từng câu trả lời của họ. Thường các nhà tuyển dụng lão luyện sẽ khởi động buổi phỏng vấn bằng các chủ đề tưởng như không liên quan đến công việc (tình hình thời tiết, dịch Covid-19, kinh tế thế giới)…vừa tạo không khí nhẹ nhàng, vừa nhìn được biểu hiện lúc thông thường nhất của ứng viên. Sau đấy, khi bước vào những câu hỏi chính, tất cả sự khác biệt nếu có sẽ bị lộ ra một cách chính xác và rõ ràng hơn.Ví dụ: Một ứng viên khoanh tay trước ngực và tỏ ra bồn chồn trong suốt buổi phỏng vấn, thì có khả năng là người đó đang nói dối, nhưng có thể chỉ đơn giản là họ đang rét run bởi máy lạnh trong phòng bạn. Nhưng nếu thái độ của họ trở nên khác biệt chỉ khi đến những câu hỏi quan trọng, bạn biết là bạn nên làm gì rồi đấy.
5. Tuyển dụng nên dành thời gian tìm kiếm cũng như tìm hiểu ứng viên qua mạng xã hội
Ngày nay mạng xã hội rất tiện dụng đối với mỗi cá nhân chúng ta, là cầu nối giao lưu, chia sẻ những cảm xúc và nơi kết nối bạn bè, mọi người lại với nhau. Vì thế việc tìm kiếm các thông tin rất là thông dụng. Vì vậy các nhà tuyển dụng nên dành thời gian tìm kiếm cũng như tìm hiểu ứng viên mà mình quan tâm qua các mạng xã hội.
Mạng xã hội là chúng cho phép bạn đào sâu hơn. Một ứng cử viên có thể tự nhận là người có trách nhiệm với xã hội, tham gia tất cả các hoạt động tình nguyện, nhưng bạn có thể sẽ phát hiện ra họ đưa ra những bình luận phân biệt đối xử hoặc chế giễu ai đó nếu tìm hiểu về hoạt động trên facebook, gapo, twitter hoặc instagram... của họ. Đây cũng là một cách giúp các nhà tuyển dụng tìm ra nhân cách thực của mỗi ứng viên.
6. Liên hệ với người tham khảo
Nếu vị trí bạn đang tuyển dụng là một vị trí cao cấp, khá quan trọng với doanh nghiệp thì bạn hoàn toàn có thể xác nhận những thông tin liên quan đến ứng viên trong danh sách người tham chiếu họ đã cung cấp. Những trường hợp gian dối vế chức danh, các công việc đã từng trải, các công ty đã làm việc, thời gian làm việc,... hay thậm chí có thể là người tham chiếu là các trường hợp rất hay gặp trong quá trình tuyển dụng nhân viên. Thử nói lệch đi một chút về các thông tin mà ứng viên đã kê khai khi trao đổi với người tham chiếu, để xem phản ứng của người đó như thế nào.
7. Dựa vào trực giác và kinh nghiệm tuyển dụng của mình
Nếu bạn là một nhà tuyển dụng phỏng vấn có kinh nghiệm, bạn có thể biết một người nói dối mà không gặp khó khăn gì. Đôi khi, bạn nên chú ý và lắng nghe “tiếng lòng” của mình. Tuy nhiên, bạn cần thận trọng để không quá phụ thuộc vào trực giác của mình, bởi thực tế là những bằng chứng thuyết phục hơn và người phỏng vấn cần phải đánh giá một cách khách quan.
Trung thực là một đức tính rất được quan tâm và chú trọng hàng đầu bất kể trong công việc cũng như trong cuộc sống hằng ngày của mỗi chúng ta. Và một ứng viên trung thực luôn là đại diện cho một nhân viên tốt, vì vậy bạn đừng ngại rà soát kỹ càng, cẩn trọng để có thể tìm ra được ứng viên tiềm năng nhất cho công ty của mình. Hi vọng qua bài viết này các bạn có thể bổ sung thêm kinh nghiệm để tuyển dụng ứng viên tốt và phù hợp nhất cho công ty. Cảm ơn các bạn đã luôn cùng đồng hành cùng chúng tôi. Chúc các bạn luôn thành công !
Hoàng Liên