Giao tiếp là cầu nối giúp ứng viên và nhà tuyển dụng thân thiện và dễ hòa hợp với nhau hơn trong một cuộc phỏng vấn. Vì vậy trong buổi phỏng vấn nếu ứng viên vô tình mắc phải một số lỗi trong giao tiếp, điều này khiến ứng viên sẽ dễ dàng bị các nhà tuyển dụng cho vào danh sách loại khỏi vòng tuyển chọn.
Đôi khi vì lo lắng hồi hộp khi đi phỏng vấn mà các ứng viên có thể có thể sẽ phạm phải một số lỗi trong giao tiếp dẫn đến việc họ để tuột mất cơ hội việc làm. Vậy đó là những lỗi giao tiếp nào ? Hãy cùng | Working.vn tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé !
1. Lỗi giao tiếp bởi tác phong khi bước vào
Một tác phong xấu sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến buổi phỏng vấn vì vậy để tạo ấn tượng ban đầu tốt với nhà tuyển dụng, bạn cần thể hiện sự chuyên nghiệp từ cử chỉ nhỏ nhất. Không nên bước vào với tư thế thiếu tự tin, bước chân mạnh bạo, gây tiếng động mạnh. Ngoài ra, việc xuất hiện với khuôn mặt khó chịu, mệt mỏi, gắt gỏng cũng làm cho nhà tuyển dụng có cái nhìn không được tốt với ứng viên.
2. Lỗi giao tiếp khi bắt tay quá hời hợt hay mạnh bạo
Giao tiếp bắt đầu bằng chào hỏi, một cử chi bắt tay quen thuộc nếu bạn dành cho nhà tuyển dụng một cái bắt tay hời hợt nghĩa là bạn đang lo lắng, xấu hổ và thiếu tự tin về chính mình. Do đó, để không gây hiểu lầm, hãy bắt tay nhà tuyển dụng một cách chắc chắn nhưng không bắt quá chặt – cái bắt tay chuẩn nhất là 2 lòng bàn tay tiếp xúc với nhau với 1 lực như nhau.
3. Lỗi giao tiếp bởi ứng viên không nở nụ cười
Nụ cười là tuyệt chiêu trong giao tiếp vì vậy nếu bạn là một ứng viên khi gặp mặt không biết nở nụ cười thường bị nhà tuyển dụng đánh giá là người không thân thiện, khó hòa đồng và sống khép kín. Điều này hoàn toàn không phù hợp với hầu hết các ngành nghề đòi hỏi sự hợp tác, hỗ trợ nhau làm việc vì sự phát triển chung. Hơn nữa, nụ cười cũng thể hiện bạn là người tự tin, cởi mở, niềm nở và giàu năng lượng, năng lực tiềm tàng của một ứng viên năng nổ.
4. Lỗi giao tiếp khi né tránh giao tiếp bằng ánh mắt
Khi giao tiếp bạn cần phải mặt đối mặt, ánh mắt phải luôn tập trung với người đối diện, Khi một ứng viên trong buổi phỏng vấn khi thảo luận hay trả lời các câu hỏi của tuyển dụng ánh mắt không tập trung, nhìn lên trần nhà, hay nhìn ra cửa sổ, đôi mắt chớp liên tục sẽ khiến nhà tuyển dụng có cảm giác bạn đang không thành thật, thiếu tự tin. Do đó, bạn nên tập trung mọi ánh nhìn về phía người phỏng vấn để tránh bị lỡ thông tin hay nhầm lẫn về một thông điệp nào đó nhà tuyển dụng muốn gửi gắm. Hãy mạnh dạn giao tiếp bằng ánh mắt với nhà tuyển dụng và khiến họ nhìn bạn càng nhiều càng tốt.
5. Lỗi giao tiếp khi ứng viên nói quá nhiều
Hãy cẩn thận khi nói quá nhiều với nhà tuyển dụng. Cuộc phỏng vấn nên là một cuộc đối thoại hai chiều, nhưng nhiều ứng viên được phỏng vấn xem ra cố gắng che giấu sự hồi hộp bằng việc nói quá nhiều. Tốt hơn cả là bạn nên bình tĩnh ngồi xuống và lắng nghe nhà tuyển dụng, sau đó đặt ra những câu hỏi thích hợp nhất
6. Lỗi giao tiếp khi tư thế thiếu tự tin
Những hành động của bạn như: Vuốt tóc, gãi đầu, gãi tai, ngồi rung chân, rung đùi… sẽ khiến nhà tuyển dụng nhận ra rằng bạn đang thiếu tự tin. Ngoài ra, việc ngồi với tư thế “khúm núm”, không thoải mái sẽ tạo tình thế bất lợi cho bạn. Khi thấy những biểu hiện và tư thế đó sẽ khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn đang tự ti về bản thân mình. Điều này làm bạn mất điểm hoàn toàn trong mắt nhà tuyển dụng.
7. Lỗi giao tiếp khi hay khua tay múa chân
Đôi khi, ứng viên trở nên hào hứng vô cùng với câu hỏi đặt ra nên thường trình bày kèm hành động khua tay múa chân. Tuy nhiên, hành động này được cho là một hành động giao tiếp kém khiến bạn bị mất điểm khi phỏng vấn. Ngay cả nhà tuyển dụng cũng rất khó để làm việc khi bạn cứ khua tay trước mặt họ. Bạn cũng không cần thiết phải tỏ ra quá nghiêm trang khi cứ ngồi không động đậy. Hãy cố gắng tìm cho mình một tư thế cởi mở, thoải mái hơn nhưng không phải là tay vận động không ngừng hoặc nghịch những vật dụng trên bàn.
*** Cách điều chỉnh giao tiếp để có một buổi phỏng vấn thuận lợi và thành công
Muốn buổi phỏng vấn được thành công các bạn tham khảo một vài gợi ý dưới đây nhé !
- Bắt tay nhà tuyển dụng bằng 1 hoặc 2 tay với lực vừa phải, không quá mạnh cũng không quá nhẹ.
- Hãy luôn giữ sắc mặt tươi tỉnh, thân thiện và luôn mỉm cười đúng lúc
- Hãy biết giao tiếp bằng mắt với mức độ tương tác thích hợp, tránh nhìn chằm chằm quá lâu vào đối phương gây bối rối
- Ngồi thẳng lưng, 2 tay chụm lại, đặt lên đùi hoặc mặt bàn ngay trước mặt
- Không khoanh tay trước ngực, không ngồi vắt chân
- Tuyệt đối không rung chân, rung đùi
- Gật đầu nhẹ theo lời nói của nhà tuyển dụng thể hiện sự đồng tình, nhưng phải biết chọn thời điểm thực hiện phù hợp; không gật liên tục không chủ đích.
- Khi ra về hãy lịch sự chào tạm biệt nhà tuyển dụng, không nên quay lưng đi ngay mà đi lui vài bước rồi mới quay lưng đi…
Để phỏng vấn xin việc thành công ngoài kiến thức chuyên môn ứng viên cần thể hiện nhiều phẩm chất khác phù hợp với công việc và văn hoá của nhà tuyển dụng. Và một trong những kỹ năng mềm quan trọng nhất đó là kỹ năng giao tiếp. Chính vì thế hãy luôn rèn luyện để tránh phạm phải những lỗi giao tiếp không đáng có. Hi vọng, bài viết có thể giúp các ứng viên có thêm nhiều kiến thức cùng kinh nghiệm để luôn xin việc làm thành công. Chúc các bạn luôn là những ứng viên xuất sắc nhất.
Hoàng Liên