Nguồn nhân lực luôn chiếm vị trí trung tâm và đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Việc thu hút nhân lực phù hợp vào làm việc tại doanh nghiệp là vấn đề hết sức quan trọng.
Để việc tuyển dụng được diễn ra đúng kế hoạch và đạt hiệu quả cao nhất thì công tác tuyển dụng nhân sự cần được chuẩn bị kỹ càng. Việc xây dựng kế hoạch và quy trình tuyển dụng chúng tôi đã trình bày ở những mục trước, trong chuyên mục này chúng ta sẽ tập trung vào các bước tuyển dụng cần phải có cho công tác tuyển dụng nhân sự.
1. Dự trù công tác tuyển dụng nhân sự
Để buổi phỏng vấn thành công thì khâu chuẩn bị phải được đặc biệt chú ý. Chúng ta cần có các số liệu để xây dựng buổi phỏng vấn chuyên nghiệp. Dự trù số lượng người tham gia tuyển dụng bao số vị trí tuyển dụng, bài test và nhân sự phục vụ chương trình tuyển dụng.
1.1 Số lượng vị trí tuyển dụng
Nếu 1 vị trí cần tuyển dụng thì không khó nhưng nếu tổ chức tuyển dụng 2 – 3 hoặc nhiều hơn thì việc phân loại ứng viên, phòng chờ, phòng test, phòng phỏng vấn cần được chú ý. Thực tế khi phỏng vấn nhiều vị trí mà tổ chức không chuẩn sẽ rất mất hình ảnh chuyên nghiệp về doanh nghiệp và ứng viên cũng cảm thấy mệt mỏi.
1.2 Số lượng ứng viên tương ứng với từng vị trí
Việc này quyết định số lượng bài test, tình toán được thời gian có thể xong chương trình tuyển dụng, số lượng người hỗ trợ.
1.3 Phân công công tác tuyển dụng
Chi tiết từ hướng dẫn, đón tiếp, vị trí ngồi, thông báo thời gian và cách thức cho ứng viên. Đây là công tác quan trọng, nếu ứng viên đến chờ đợi mà không biết chờ đến bao lâu, thi và phỏng vấn như thế nào thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng ứng viên và chất lượng buổi phỏng vấn. Ngoài ra các vị trí cần test chuyên môn cần sự hỗ trợ các phòng chuyên môn thì cần phải có đề xuất cũng như có chi tiết báo cho nhân sự đó nắm được số lượng, thời gian, cách thức và địa điểm phòng test.
1.4 Chuẩn bị tài liệu và phòng chờ
Các tài liệu cần chuẩn bị như sau:
1.5 Thông báo tuyển dụng đến ứng viên và yêu cầu xác nhận
Thường thì sau khi sơ loại xong hồ sơ chúng ta nên thông báo trước tối thiểu 3 ngày trước khi phỏng vấn. Có thông báo luôn ứng viên về các chuẩn bị cho buổi phỏng vấn nếu có (VD: Máy tính cầm tay cho vị trí kế toán nếu thi test nghiệp vụ…).
2. Công tác triển khai tuyển dụng
2.1 Đón tiếp ứng viên
Các ứng viên thường sẽ đến sớm hơn dự kiến nên việc tiếp tiếp và hướng dẫn cần phải tiến hành sớm hơn giờ test thường là 30 phút. Cần trao đổi với lễ tân trước về chương trình tuyển dụng và yêu cầu lễ tân hướng dẫn ứng viên về phòng chờ.
2.2 Phòng chờ (phòng tập trung)
Thường chúng ta sẽ có 1 phòng tập trung để các ứng viên đợi, cần chú ý một số vấn đề như nước uống, tài liệu về công ty hay nhân sự phòng tuyển dụng có thể phát trước quy trình tuyển dụng để các ứng viên biết được mình sẽ thi các vòng nào và thời gian chi tiết trong bao lâu.
2.3 Tạo không khí thoải mái cho ứng viên
Đối với việc phỏng vấn sẽ khá là stress cho ứng viên kể cả là người đã có kinh nghiệm, chính vì vậy nếu chúng ta muốn đánh giá chuẩn năng lực cũng như không bỏ sót nhân tài thì việc giải tỏa tâm lý cho ứng viên là điều rất cần làm ( Từ việc đón tiếp, trao đổi để ứng viên cảm thấy thoải mái và thân thiện. Tuy nhiên vẫn cần đề cao sự chuyên nghiệp ).
2.4 Thông báo cho ứng viên biết thời gian có kết quả
Đa số với việc tuyển dụng nhân sự của chúng ta thường chỉ thông báo cho những người trúng tuyển và cũng không chú ý đến thời gian thông báo. Có nhiều trường hợp thông báo tuy nhiên ứng viên đã đi làm chỗ khác hoặc các nhiều ứng viên không đạt gọi điện hỏi về kết quả. Để tránh trường hợp này chúng ta nên có thời gian cụ thể báo kết quả cho ứng viên, rõ về cả hình thức báo và phải thông báo cho cả các ứng viên không đạt.
3. Công tác tổng kết đánh giá và báo cáo sau chương trình tuyển dụng
Họp toàn bộ bộ phận tuyển dụng, đóng góp ý kiến, rút kinh nghiệm và thống nhất các trường hợp ứng viên cần xem xét.
Xây dựng báo cáo sau mỗi buổi test, đánh giá sự hài lòng của ứng viên về công tác tuyển dụng nhân sự để rút kinh nghiệm.
Phân công nhiệm vụ báo cáo kết quả cho ứng viên, lưu trữ hồ sơ ứng viên tham dự phỏng vấn.
Tóm lại, cần nhìn nhận buổi phỏng vấn là một buổi giới thiệu doanh nghiệp đến với các ứng viên, chính vì vậy cần phải thể hiện hình ảnh đẹp và chuyên nghiệp đến những người tham gia. Tránh trường hợp sai lệch thời gian, chuẩn bị không chu đáo để “mất điểm” về doanh nghiệp.
Ngọc Quyên