Việc xem xét môi trường làm việc, đãi ngộ hấp dẫn, và tính cách của người quản lý là điều vô cùng quan trọng đối với các ứng viên khi tìm kiếm công việc. Có thể nói nhận diện được người sếp tồi trong buổi phỏng vấn là yếu tố tác động trực tiếp tới động lực làm việc của mỗi ứng viên.
Không phải ứng viên nào cũng may mắn được làm việc cùng những người sếp có tâm, để tránh nhận làm tại doanh nghiệp có sếp tồi, các ứng cử viên khi đi phỏng vấn có thể quan sát vài chi tiết nhỏ, từ đó rút ra dấu hiệu nhận biết sếp không tốt qua một vài gợi ý mà | Working.vn chia sẽ dưới đây nhé !
1. Họ đến trễ buổi phỏng vấn mà không thông báo trước cũng như không xin lỗi
Khi một nhà tuyển dụng đến trễ mà không thông báo trước với bạn, bạn có thể tự kết luận rằng họ không xem trọng thời gian của bạn. Thêm vào đó, đây còn có thể là một dấu hiệu cho thấy họ không hề thích công việc phỏng vấn ứng viên. Tuy nhiên, có một vài trường hợp bất đắc dĩ mà sếp đến muộn không kịp thông tin cho bạn hay, nhưng khi gặp mặt sẽ có một lời xin lỗi cũng chứng tỏ đây là người biết yêu quý nhân viên của mình.
Còn nếu họ đã muộn mà khi tới vào thẳng buổi phỏng vấn ngay thì không nghi ngờ gì nữa, đó hẳn là dấu hiệu nhận biết sếp không tốt rồi đấy. Họ là những người sếp muốn tỏ ra uy quyền, có khả năng trong tương lai sẽ dùng sức mạnh bề trên tạo áp lực cho bạn.
2. Thờ ơ với hồ sơ của ứng viên
Một dấu hiệu để nhận diện người đó là người sếp tồi là khi phỏng vấn họ không nhìn vào hồ sơ của bạn trước khi bạn đến hoặc đặt câu hỏi được liệt kê rõ ràng trong bản lý lịch của bạn. Thậm chí, họ còn đọc sai tên của bạn. Điều đó cho thấy có thể họ chỉ muốn nhanh chóng tìm người thay thế mà không quan tâm đến chất lượng ứng viên hoặc họ thuê bạn với mục đích khác. Hãy cảnh giác với những điều diễn ra một cách quá dễ dàng bởi cái gì đến dễ thì cũng sẽ nhanh chóng ra đi mà thôi.
3. Trò chuyện kiểu bề trên
Bất luận tuổi tác hoặc địa vị ra sao, sự giao tiếp kiểu 'bề trên' luôn là một báo hiệu khá rõ về vị sếp kém cỏi. Cụ thể họ sẽ tỏ thái độ trịch thượng, ngạo mạn hoặc khá thô lỗ trong suốt cuộc trò chuyện. Đây là dạng người luôn muốn bản thân là trung tâm vũ trụ, nên nhiều khả năng bạn sẽ có chuỗi ngày chẳng mấy vui vẻ, nếu không muốn nói là đầy ức chế, nếu trở thành nhân viên của họ.
4. Đưa ra những câu hỏi không đúng mực
Một dấu hiệu nhận biết sếp không tốt nữa là họ đưa ra quá nhiều câu hỏi không đúng mực. Trong buổi phỏng vấn thường sẽ chỉ hỏi những điều xoay quanh công việc, hoặc nếu bạn tạo hứng thú thì có thể sếp sẽ trò chuyện thêm một ít về cuộc sống nhưng không quá lạc đề. Đó là lý do khi gặp nhà lãnh đạo mà lại hỏi xoáy vào tôn giáo, hôn nhân, đời sống riêng tư hay những vấn đề tế nhị thì bạn nên dè chừng, bởi điều đó cho thấy sếp không trang bị kỹ năng phỏng vấn đúng chuẩn và thiếu chuyên nghiệp.
Ngoài ra, việc hỏi quá nhiều còn thể hiện là người soi mói, muốn nắm mọi thông tin của ứng cử viên, làm việc với một người sếp như vậy dễ gây ra sự ngột ngạt. Bạn cần phân biệt rõ giữa soi mói và quan tâm, vì nếu quan tâm nhân viên mình thì sẽ không dẫn vào những thắc mắc tế nhị mà bạn ngại trả lời rồi.
5. Bảo thủ và không tiếp nhận quan điểm của ứng viên
Thường thì khi thông qua những chia sẻ ở buổi phỏng vấn, bạn có thể nhận ra cấp trên tương lai của mình có dễ hợp tác hay không ?
Muốn nhận diện người sếp tồi trong buổi phỏng vấn, thường thì họ sẽ là những người cố gắng để gạt bỏ quan điểm của bạn trong mọi hoàn cảnh và mong muốn bạn chỉ làm những gì họ đề xuất. Đây chắc chắn là một người sếp bảo thủ và sẽ kìm hãm không ít sự phát triển chuyên môn của bạn khi làm cho công ty.
6. Hay soi mói và quá quan tâm đến tiểu tiết
Những người khó tính họ thường sẽ thích soi mói, Nếu là một trong những vị sếp rất kỹ tính, kỹ tính đến mức khiến cho người khác cảm thấy ngột ngạt. Tuy nhiên, sự kỹ tính và để ý tiểu tiết của họ không chỉ dừng lại ở phạm vi công việc, mà cả những thứ không liên quan khác.
Bạn có thể nhận được những câu hỏi liên quan đến cách bạn ăn mặc, trang điểm, hình xăm trên cánh tay, cách bạn xỏ khuyên, tình trạng hôn nhân hay con cái, v.v.
Đây là biểu hiện cho thấy họ cố gắng tìm hiểu và can thiệp quá sâu một cách không cần thiết với nhân viên của mình, soi mói đến những chi tiết cá nhân và có thể đưa ra những đánh giá chủ quan.
7. Sếp hay mập mờ, không minh bạch
Dấu hiệu nhận biết sếp tồi còn biểu hiện ở việc họ mập mờ không rõ ràng khi trả lời những câu hỏi về vị trí, công việc bạn sẽ làm trong thời gian sắp tới. Bên cạnh đó, nếu sếp có biểu hiện muốn che giấu một số thông tin thông thường của công ty thì nhiều khả năng ngay cả công ty bạn đang ứng tuyển cũng không minh bạch. Tính cách bí ẩn này sẽ khiến nhân viên làm việc trong tình trạng thiếu thông tin khi giao nhiệm vụ, khiến bạn không thể hoàn thành tốt với đúng năng suất của mình.
8. Khoe khoang về năng lực
Trong suốt cuộc trò chuyện trong buổi phỏng vấn, bạn thường phải lắng nghe những lời khoe khoang, những ý kiến có phần cường điệu, thậm chí đôi chỗ sai lệch, thì nên xem xét kĩ lời mời làm việc từ nhà tuyển dụng ''thùng rỗng kêu to''. Bởi nhiều khả năng họ kém chuyên môn, thiếu tính thực tiễn. Tương lai của bạn khó có thể đảm bảo, thậm chí có thể gặp rắc rối nếu bạn chọn làm việc dưới trướng những người như vậy.
Trên đây là một vài gợi ý mà chúng tôi muốn chia sẻ tới các bạn. Hi vọng rằng các bạn sẽ áp dụng được các cách xử lý khôn khéo nhất để tìm được một môi trường làm việc phù hợp cho mình nhé. Chúc các bạn luôn thành công trong buổi phong vấn.
Hoàng Ngọc