Năng lực cũng là một phần quan trọng nếu ứng viên muốn có ấn tượng tốt đối với các nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn, nhưng đôi khi vì căng thẳng, lo lắng mà một số ứng viên đã vô tình phạm những lỗi cơ bản khiến bạn trông rất thiếu năng lực điều này khiến bạn rấ dễ đánh mất cơ hội việc làm.
Vậy hôm nay các bạn hãy cùng | Working.vn tìm hiểu xem những điều gì khiến ứng viên trông thiếu năng lực trong buổi phỏng vấn mà nhà tuyển dụng không hài lòng để biết và làm hành trang kinh nghiệm cho mình trước khi chính thức bước buổi phỏng vấn nhé !
1. Ứng viên không chuẩn bị chu đáo
Chuẩn bị thật chu đáo về mọi thứ sẽ giúp bạn tự tin ghi điểm tuyệt đối trong mắt nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn, khi bạn tìm hiểu càng nhiều, bạn sẽ có nhiều thứ hơn để chia sẻ khi trả lời các câu hỏi. Dựa trên đó bạn cũng sẽ có nền tảng cơ bản để có những trao đổi sâu hơn với nhà tuyển dụng trong những khoảng cuối của buổi phỏng vấn. Ngược lại nếu bạn sơ sài, quá chủ quan sẽ rất dễ dàng lúng túng và thường xuyên mắc phải những lỗi cơ bản khiến bạn trông rất thiếu năng lực, và làm cho nhà tuyển dụng đánh giá thấp về khả năng của bạn.
Khi chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn, bạn nên tìm hiểu mọi thứ có thể về công ty, lĩnh vực kinh doanh, người lãnh đạo và người mà bạn sẽ gặp gỡ, vai trò của họ là gì... Các nhà tuyển dụng muốn thấy rằng bạn đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và có mối quan tâm đến công ty cùng các vấn đề liên quan.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên có danh sách các câu hỏi để đặt ra cho nhà tuyển dụng nhưng cần chắc chắn đó không phải là điều bạn nên biết câu trả lời hoặc có thể dễ dàng tìm ra “đáp án” bằng cách tìm kiếm trên internet. Việc chuẩn bị tốt sẽ giúp bạn đặt ra các câu hỏi sâu sắc, có kiến thức để bạn trở nên nổi bật hơn.
2. Ứng viên mất bình tĩnh
Đối với các ứng viên lần đầu, việc lo lắng, hồi hộp dẫn đến mất bình tĩnh đều có thể xảy ra. Sự mất bình tĩnh sẽ khiến bạn trông thiếu năng lực và rất dễ đánh mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng và phần nào vuột mất cơ hội. Hãy thật bình tĩnh, hít thở thật sâu trước khi bước vào phỏng vấn. Việc chuẩn bị thật kỹ từ trang phục đến tác phong, luyện tập nhuần nhuyễn các câu trả lời cũng như câu hỏi dành cho nhà tuyển dụng trước ở nhà sẽ khiến bạn tự tin hơn phần nào.
Đừng quá quan trọng hóa, bạn hãy cứ coi đó là một buổi nói chuyện bình thường và hai bên đang tìm hiểu nhau, thả lỏng cơ thể và trả lời một cách tự nhiên nhất. Việc coi buổi phỏng vấn là một cuộc nói chuyện bình thường sẽ giúp bạn tự nhiên và không còn mất bình tĩnh nữa đấy.
3. Ứng viên không tắt điện thoại
Bạn cảm thấy thế nào nếu như đang phỏng vấn mà nhà tuyển dụng có điện thoại, họ bắt máy và nói chuyện ? Tất nhiên, bạn sẽ cảm thấy họ không chuyên nghiệp và mình không được tôn trọng đúng không ? Nhà tuyển dụng cũng sẽ thấy như vậy khi nghe thấy tiếng chuông từ bạn vang lên khi cả hai đang nói chuyện, họ cho rằng bạn không tôn trọng người đối thoại với mình và mong buổi phỏng vấn này mau kết thúc. Họ sẽ nhẹ nhàng nhắc nhở bạn tắt điện thoại hoặc chỉ mỉm cười với bạn, dù như vậy nhưng bạn đã bị đánh giá thấp không những về kỹ năng và năng lực của bạn cũng bị ảnh hưởng, tất nhiên trường hợp này cơ hội của bạn cũng không còn đâu. Hãy luôn nhớ tắt điện thoại trước khi đi hoặc vào phỏng vấn nhé, đừng để tiếng chuông điện thoại khiến bạn trông thiếu kỹ năng, năng lực và làm mất đi cơ hội của bạn.
4. Ứng viên không mang gì theo tới buổi phỏng vấn
Rất nhiều ứng viên khi tới tham dự buổi phỏng vấn thường không mang theo gì cả, đây thực sự là một sai lầm có thể dẫn đến những va vấp không đáng có trong buổi phỏng vấn của bạn. Bạn nên mang theo một quyển sổ nhỏ và cây bút để ghi chép khi cần, việc này sẽ làm nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là người thực sự quan tâm tới công việc đó, bên cạnh đó, bạn nên mang theo bản CV dù đã gửi CV qua thư điện tử trước đó để nhà tuyển dụng tiện theo dõi trong buổi phỏng vấn. Điều này thể hiện rằng bạn là một người năng lực làm việc, có sự sắp xếp và chuẩn bị kỹ lưỡng, bạn cũng nên in và mang theo nhiều bản CV nếu trong buổi phỏng vấn của bạn có nhiều hơn một nhà tuyển dụng.
5. Ứng viên nói quá nhiều
Hãy cẩn thận khi nói chuyện với nhà tuyển dụng. Cuộc phỏng vấn nên là một cuộc đối thoại hai chiều, nhưng nhiều ứng viên được phỏng vấn xem ra cố gắng che giấu sự hồi hộp bằng việc nói quá nhiều. Tốt hơn cả là bạn nên bình tĩnh ngồi xuống và lắng nghe nhà tuyển dụng, sau đó đặt ra những câu hỏi thích hợp nhất. Bởi nhiều khi nói nhiều thành ra nói dại, nói luyên thuyên, nói không đúng trọng tâm điều này chứng tỏ bạn là người chỉ biết nói chứ không biết chứng tỏ được năng lực của mình.
6. Ứng viên không gửi thư cảm ơn sau khi phỏng vấn
Nếu bạn lo lắng rằng bạn đã không để lại ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, bạn có chắc chắn rằng bạn đã gây ấn tượng với họ ? Dù thế nào đi nữa thì hãy thể hiện sự quan tâm của bạn tới công việc bằng cách gửi một lá thư cảm ơn tới người phỏng vấn bạn. Nếu bạn không thể hiện tốt tại buổi phỏng vấn thì một lời cảm ơn cũng có thể khiến nhà tuyển dụng suy xét lại vì thấy bạn thực sự hứng thú với công việc thì sao ? Hoặc cho dù không được nhận hay biết chắc mình hoàn toàn mất đi cơ hội làm việc thì bạn vẫn nên gửi thư cảm ơn tới nhà tuyển dụng, ít nhất bạn cũng để lại được ấn tượng đẹp và còn thể hiện sự tôn trọng họ nữa đấy và biết đâu họ sẽ mời bạn đến phỏng vấn trong những lần sau.
Phỏng vấn là cơ hội để ứng viên thể hiện mức độ phù hợp của mình với công việc, đồng thời doanh nghiệp cũng có thể đưa ra những đánh giá khách quan về năng lực ứng viên. Để tạo ấn tượng tốt nhất trong mắt nhà tuyển dụng, bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tham gia phỏng vấn để tránh những sai sót hay những điều khiến bạn thiếu chuyên nghiệp và thiếu năng lực nhé ! Chúc các bạn luôn thành công !
Hoàng Liên